Nhu cầu sử dụng và tốc độ Internet tại Việt Nam liên tục tăng trong năm nay, nhưng các sự cố với cáp quang biển cũng xảy ra thường xuyên.
Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có 68,72 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70,3% dân số, theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam. Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội và xu hướng chuyển đổi số phát triển mạnh.
Tốc độ và thứ hạng Internet tăng
Thống kê của Ookla, công ty đứng sau ứng dụng đo tốc độ Speedtest, cho thấy tốc độ Internet Việt Nam tăng rõ rệt thời gian qua, đặc biệt ở loại hình băng rộng cố định - phần lớn là cáp quang.
Cụ thể, vào tháng 1, tốc độ download trên Internet băng rộng cố định là 45,62 Mb/giây, nhưng đến tháng 11 đã đạt 68,5Mb/giây, tức tăng 50%. Với Internet di động, đồ thị có xu hướng đi ngang, tăng nhưng không đáng kể và đạt 35,14 Mb/giây vào tháng trước.
Tốc độ Internet tại Việt Nam được đánh giá ở mức tốt so với thế giới, khi tốc độ download của Internet cố định và di động trung bình trên thế giới trong tháng 11 lần lượt là là 58 Mb/giây và 29,06 Mb/giây.
Nhờ đó, ở hai loại hình kết nối này, Việt Nam đang xếp lần lượt thứ 42 và 48 trên thế giới, tăng hạng so với vị trí 50 và 53 hồi tháng 1. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, Internet Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và cao hơn các quốc gia còn lại.
Về băng rộng cố định, hai quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á là Singapore và Thái Lan nắm giữ vị trí số một và số ba toàn cầu trong tháng 11, tốc độ lần lượt là 184,65 Mb/giây và 171,37 Mb/giây, cao gần gấp ba Việt Nam. Nước xếp ở vị trí thứ hai là Chile với 173,09 Mb/giây.
Trong khi đó, mạng di động nhanh nhất thế giới thuộc về UAE, tốc độ 136,42 Mb/giây, tiếp đến là Na Uy 116,66 Mb/giây và Hàn Quốc 104,98 Mb/giây.
Nhu cầu sử dụng Internet cao
Theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 30%. Cụ thể, tổng lưu lượng Internet băng rộng tháng 12/2020 là hơn 5.234 petabyte, nhưng đến tháng 10 đạt 6.977 petabyte. Cao điểm vào tháng 8, tổng lưu lượng Internet băng rộng đạt 7.824 petabyte, cao nhất từ trước đến nay.
Tăng trưởng về lưu lượng truy cập Internet tại Việt Nam trong hai năm qua. Ảnh: Cục Viễn thông
Sự gia tăng lưu lượng xuất phát từ nhu cầu của người dùng trong bối cảnh giãn cách vì Covid-19, khiến nhiều hoạt động được đưa lên môi trường số. Đặc biệt, hoạt động học và họp trực tuyến tạo lưu lượng truy cập lớn. Bên cạnh đó, xu hướng Internet kết nối vạn vật dần trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Ngoài ra, sự phát triển của các nội dung video, livestream trên các nền tảng như Google, Facebook, Netflix.. cũng là nguyên nhân dẫn đến lưu lượng tăng. Khảo sát trong tháng 5 của Google cho thấy, người Việt dành trung bình 70 phút mỗi ngày xem YouTube. Việt Nam có 25 triệu người theo dõi YouTube trên TV nối mạng trong một tháng, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Con số này tại Nhật Bản và Ấn Độ là 20 triệu, Australia là 8 triệu.
"Covid-19 làm thay đổi mọi hoạt động sinh hoạt, từ học tập, làm việc cho đến giải trí trong giai đoạn giãn cách. Không chỉ thúc đẩy các hoạt động này lên môi trường kết nối trực tuyến, xu hướng chuyển dịch của người Việt còn tập trung vào chiếc tivi trong gia đình", đại diện Google nhận định.
Hạ tầng mạng có cải thiện, nhưng còn yếu và thiếu
Hạ tầng Internet tại Việt Nam năm qua liên tục được hoàn thiện. Tính đến quý II/2021, tổng băng thông Internet quốc tế của Việt Nam là 13,7 Tb/giây, băng thông trong nước là 4,18 Tb/giây, theo báo cáo của Cục Viễn thông.
Mô hình sử dụng trạm Trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) ngày càng đóng vai trò lớn đối với kết nối Internet trong nước. Đến tháng 11, VNIX có ba điểm chính tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và một điểm mở rộng khác tại TP HCM. Tổng băng thông kết nối qua VNIX xấp xỉ 400 Gb/giây.
Hạ tầng mạng Internet Việt Nam được đánh giá đã hoàn thiện hơn, nhưng vẫn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, kết nối của Việt Nam ra quốc tế phụ thuộc vào 7 tuyến cáp quang biển, tức trung bình khoảng 14 triệu dân sử dụng một tuyến cáp.
Trong khi đó tính riêng tại Đông Nam Á, Singapore có 30 tuyến cáp, Malaysia 22 tuyến và Thái Lan có 10 tuyến. Xét trên toàn cầu, các nước đang có số tuyến cáp Internet nhiều có thể kể đến Mỹ 93 tuyến, Anh 56 tuyến, Nhật 27 tuyến hay Pháp 23 tuyến.
Theo một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước, hạ tầng hiện chưa đủ phục vụ cho các thuê bao. Khi có sự cố như đứt cáp, nhà mạng gặp khó khăn vì không đủ hạ tầng ứng cứu, trong khi nhu cầu sử dụng của người dùng ngày càng cao, với mức tăng trung bình 30% mỗi năm.
Việt Nam cũng đã có ứng dụng riêng để đo tốc độ Internet là i-Speed. Ảnh: Lưu Quý
'Đứt cáp' trở thành nỗi lo thường trực
Đại diện một ISP khẳng định, cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới đứt trung bình 10 lần một năm. Thời gian sửa chữa mỗi lần kéo dài một tháng, khiến việc truy cập Internet quốc tế bị ảnh hưởng nhiều lần trong năm. Một số tuyến cáp gặp sự cố liên tục 3-4 lần.
Chẳng hạn, tuyến APG bị đứt vào ngày 29/10, gây mất kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, Mỹ và đến 29/11, toàn bộ lưu lượng mới khôi phục trở lại. Gần đây nhất là ngày 13/12, tuyến này tiếp tục gặp lỗi trên hướng kết nối đi Hong Kong, khiến lưu lượng bị ảnh hưởng ước tính khoảng 1 TB.
Các nhà mạng đều khẳng định đã khắc phục bằng cách chuyển hướng lưu lượng sang các tuyến khác. Tuy nhiên, sự cố đứt cáp vẫn khiến việc truy cập của người dùng bị ảnh hưởng nhiều lần trong năm qua, đặc biệt khi sử dụng dịch vụ quốc tế như Facebook, YouTube, hay học online qua Zoom.
Công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography thống kê trên thế giới mỗi năm có hơn 100 vụ lỗi cáp, tức trung bình ba ngày có một sự cố xảy ra. Khác với Việt Nam, đa số những trường hợp hỏng hóc này không được chú ý, nhất là ở các nước phát triển vì có nhiều tuyến cáp hỗ trợ nhau, băng thông Internet luôn ổn định và người dùng cuối không cảm nhận được việc đứt cáp.
Kết nối di động tăng, nhưng 5G chưa chính thức
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, xu hướng kết nối Internet di động tăng mạnh trong năm. Vào tháng 12/2020, lưu lượng Internet di động tại Việt Nam là 488 petabyte, nhưng đến tháng 10 vừa qua đã đạt mức 677 petabbyte, tăng hơn 38%.
Cuối năm ngoái, Việt Nam lên kế hoạch triển khai 5G chính thức vào giữa năm nay. Tuy nhiên hiện kết nối này vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm thương mại. 5G đang được một số nhà mạng thử nghiệm tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Phước.
Còn trên thế giới, theo Huawei, hiện đã có 176 mạng 5G thương mại với tổng cộng hơn 500 triệu thuê bao. Các ứng dụng 5G trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất, khai thác mỏ... đã qua giai đoạn thử nghiệm và được nhân rộng trên quy mô lớn. Nước dẫn đầu là Trung Quốc với hơn 961.000 trạm gốc 5G, còn Mỹ đang tụt lại phía sau khi mới lắp đặt được khoảng 100.000 trạm gốc tính đến giữa năm.
Support Team
Email:
Support@phattrien.net -
phattriennet@gmail.com - domain@phattrien.info
Website:
http://phattrien.net -
http://phattrien.info -
http://PhátTriển.vn
Tổng đài: (84) 903 880 905 Hotline: 0931 435 998 Mr.Vương